top of page
Writer's pictureHoa Le

TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH

Updated: Jun 20, 2021


Minh là một cậu bé 8 tuổi, bố mẹ thường đón cậu trên đường đi làm về và ăn tối cùng với cậu. Sau khi cậu học bài thì cả nhà cùng chơi và tối trước khi đi ngủ bố hoặc mẹ sẽ đọc truyện cho cậu rồi chúc cậu ngủ ngon. Buổi sáng, cả nhà cùng ăn sáng vui vẻ và bố mẹ đưa cậu đến trường. Như mọi ngày, cậu đến trường trong tâm trạng an toàn và thoải mái, cảm nhận được bố mẹ yêu thương. Đến khi cậu không tìm thấy bài tập trong cặp, cậu cảm thấy hơi căng thẳng, rồi bạn cậu nói gì đó khiến cậu bực mình. Thế nhưng, tất cả những điều đó vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của cậu, cậu đã có một ngày không vui, nhưng cậu không bùng nổ.
Trung cũng 8 tuổi, nhưng một tháng trở lại đây mẹ cậu không về nhà trước 7h tối và bố thì ít khi có mặt ở nhà trước giờ cậu đi ngủ. Người giúp việc đón cậu về và cho cậu ăn tối, sau đó cậu phải tự học bài. Trước khi cậu ngủ, mẹ chỉ qua phòng để kiểm tra xem cậu đã làm xong bài tập chưa rồi về phòng mình. Những hôm bố ở nhà thì bố mẹ thường cãi nhau, khiến cậu luôn lo lắng không biết liệu họ có bỏ nhau hay không.

Một hôm Trung đến trường và không tìm thấy bài tập trong cặp. Chỉ thế thôi nhưng cậu đã ở sẵn trong trạng thái gần hết chịu đựng nổi vì những gì cậu phải trải qua trước khi đến trường, rồi cậu bùng nổ. Cậu không thể chịu đựng thêm một căng thẳng nào nữa, cậu bị quá tải, kiệt sức, tức giận. Và khi cô giáo chất vấn “Tại sao con quên bài tập, chắc là con không làm đúng không?” thì cơn bùng nổ của cậu đã trở thành bạo lực, cậu đánh cô giáo.

Có vẻ càng ngày càng có nhiều bạn như bạn Trung, lớn lên trong các gia đình có đầy đủ bố mẹ, và trong đó nhiều bố mẹ là những người thành đạt, có công việc quan trọng. Chúng được đi học những trường tốt, chúng học giỏi và nghe lời thầy cô, cha mẹ…cho đến một ngày.


Các thầy cô gọi điện về báo ở trường chúng không chịu tập trung như trước, bắt đầu đánh bạn hay vi pham các quy định. Cũng trong thời gian này, chúng bắt đầu xa lánh bố mẹ, hoặc nếu bố mẹ yêu cầu điều gì chúng sẽ cãi lại, thậm chí tấn công họ.


Tôi đã chứng kiến không ít những trường hợp như vậy. Cho đến khi gặp bố mẹ thì tôi hiểu được một phần các lý do của các hành vi của con họ, thường là lúc họ đang trong những thời điểm vô cùng bận rộn với công việc của mình, trông rất căng thẳng. Nhiều bố mẹ ngồi trước mặt tôi nhưng tôi có thể cảm nhận được sự thiếu kết nối rõ ràng giữa hai người. Họ ít khi hoặc không nhìn nhau trong suốt thời gian chúng tôi thảo luận về con. Ý kiến và cách tiếp cận của họ về cách làm cha mẹ thường không đồng nhất. Nhiều người còn tranh thủ trách móc nhau, chắc vì họ đã thất bại khi làm điều đó một mình.


Những gì xảy ra với các gia đình này làm tôi nhớ đến khái niệm “wake up call” (tiếng chuông cảnh tỉnh) mà tôi được nghe từ Ninka-Bernadette Mauritson - bà mẹ chiến binh đã giúp con vượt qua tự kỷ. Tôi tin rằng trong nhiều trường hợp, sự thay đổi trong các hành vi của con là những tiếng chuông cảnh tỉnh cho cha mẹ về một (hoặc nhiều) vấn đề đang xảy ra không chỉ với con mà chính là với gia đình và với bản thân họ.


Nicole Beurkens - tiến sĩ tâm lý lâm sàng với rất rất nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ có các hành vi thách thức - cho rằng ngoài các vấn đề về cơ thể, thì sang chấn là lý do chính cho các hành vi thách thức của trẻ, những đứa trẻ này có thể gặp các sang chấn đầu đời, nhưng cũng có thể là các sang chấn “thời hiện tại”.


Cô giáo của Trung chỉ nhìn thấy những gì xảy ra khi Trung ở trường, mà không hiểu cậu đã phải trải qua những gì ở nhà trước khi đến trường. Cô đã không tìm hiểu về những sang chấn mà nếu không được can thiệp kịp thời sẽ có thể nhanh chóng dẫn tới những chẩn đoán về rối loạn hành vi, thậm chí là tăng động giảm chú ý. Những bạn như bạn Trung khi lớn lên có khả năng sẽ phát triển rối loạn chống đối xã hội và một trong số họ sẽ bước vào con đường tù tội.


Tôi rất hy vọng cha mẹ (và cả những người chăm sóc trẻ khác) không bỏ qua những tiếng chuông cảnh tỉnh đến từ sự thay đổi trong các hành vi của trẻ để hành động kịp thời.


“Những đứa trẻ này cần chúng ta nhiều hơn, chúng cần sự tham gia của chúng ta nhiều hơn. Thay vì khiến trẻ liên tục cố gắng để có sự chú ý từ chúng ta dẫn đến tức giận và thất vọng, đứa trẻ cần sự có mặt của chúng ta, hãy cho nó!” – Craig Childress, tiến sĩ tâm lý.

Hoa Le

251 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page