top of page
Writer's pictureHoa Le

TẠO ĐỘNG LỰC TỪ BẤT HẠNH

Updated: Aug 28, 2021

“Em cứ phải la lên thì con em mới chịu nghe lời cô ạ”.

“Em phải giận không nói chuyện mấy ngày thì ông xã nhà em mới chịu chơi với con”.

“Nếu em không ép liên tục thì làm sao con có động lực để nói”.


Tôi vẫn thường xuyên được nghe những tuyên bố kiểu “bất hạnh tạo động lực” này từ phụ huynh. Những động lực này có vẻ có tác dụng ngay lúc đó, nhưng hầu hết sau một thời gian thì sự nghe lời của con, việc ông xã chơi với con hay động lực để con nói thường giảm đi hoặc chẳng có gì thay đổi.


Hôm nay, tôi cảm thấy biết ơn công việc của mình sau giờ làm việc với một người mẹ có con tự kỷ 19 tuổi. Mười bảy năm qua chị luôn lo lắng, đau khổ, tìm mọi cách giúp con. Nhưng con chị vẫn không nghe lời, hay ăn vạ và đặc biệt là chưa nói được từ nào. Vậy mà trong giờ tư vấn hôm nay, chị đã dành hơn nửa thời gian để khoe với tôi về những thay đổi ở con. Khi chị bắt đầu hiểu rằng con đang thiếu an toàn và dùng thái độ yêu thương vui vẻ để tiếp cận, thì chị nhận ra con hoàn toàn có thể nghe lời. Đây là một số điều chị đã khoe: “Khi con em nghe những lời yêu thương như thế, con cảm thấy tự tin hơn và con tự đi xuống nhà lấy nước uống”; “Khi được mẹ khen nhiều con rất vui, tự động ngủ dậy, tự động đánh răng, ăn hết bữa sáng mà không hề ăn vạ tí nào”; “Khi con đi vệ sinh nhưng rửa chưa sạch, em giải thích nhẹ nhàng thì con làm được ngay rất tốt cô ạ”. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt chị.


Chắc chúng ta ai cũng đã từng muốn tạo động lực cho người thân của mình bằng cách tỏ ra đau khổ về những gì họ làm (hay không làm). Nhiều người cuối cùng đã hiểu ra là làm thế chẳng có tác dụng, nhưng tại sao chúng ta lại làm thế từ đầu?


Bởi vì chúng ta luôn PHÁN XÉT về những gì người khác làm (hay không làm). Ví dụ con bạn cố tình không nghe lời làm bạn đau khổ, ông xã bạn cố tình không chịu chơi với con làm bạn tức giận, con bạn cố tình không chịu nói làm bạn thất vọng. Bạn tin rằng việc la hét, giận không nói chuyện hay ép buộc sẽ giúp người thân của mình có động lực để làm những gì bạn muốn.


Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngừng phán xét và cố gắng hiểu người thân của mình hơn? Như trong trường hợp người mẹ ở trên, khi được học để hiểu về con trong chương trình trị liệu chơi online của chúng tôi, chị đã không còn thấy con cố tình không nghe lời nữa. Chị hiểu rằng ngoài những khó khăn của con vì tự kỷ, thì chính những đau khổ, lo lắng mà chị sử dụng để làm động lực giúp con phát triển trong những năm qua đã đem đến lại tác dụng ngược lại. Chúng làm cho con cảm thấy mất an toàn và kém tự tin.

Samahria Kaufman - một bà mẹ đã giúp con trai vượt qua tự kỷ vào những năm 70, có một ý tưởng rất hay để giúp những người dùng sự bất hạnh của mình tạo động lực cho người thân. Đó là với mỗi lời phán xét chúng ta dành cho người thân của mình, hãy trả lời hai câu hỏi. Câu thứ nhất: “Tôi muốn gì từ người thân của tôi với sự bất hạnh tôi đang thể hiện lúc này?”. Và khi đã biết mình muốn gì, hãy hỏi tiếp: “CÁCH NÀO YÊU THƯƠNG VÀ HIỆU QUẢ để giúp tôi đạt được mong muốn đó?”. 

Tôi thật mừng cho chị phụ huynh, vì chị đã bắt đầu tìm được cách yêu thương và hiệu quả để giúp con phát triển. Lúc gần hết giờ tư vấn, chị còn cố khoe thêm một tin nữa, là hôm qua con đã nói từ đầu tiên “Mummy” khi đang chơi với mẹ, khiến cả nhà ngạc nhiên sững sờ. Điều này càng củng cố niềm tin, rằng chẳng có giới hạn nào với trẻ tự kỷ. Đặc biệt là những niềm tin như “nếu trẻ tự kỷ trước 5 hay 7 tuổi không nói thì sẽ không bao giờ nói được” như nhiều chuyên gia tiên lượng.


Hãy dùng “YÊU THƯƠNG” thay cho bất hạnh để tạo động lực cho người khác!


Hoa Le

179 views0 comments

Recent Posts

See All

Kommentare


bottom of page