Trước khi trái đất được chính thức công nhận là tròn, quan điểm truyền thống (conventional wisdom) “Trái đất phẳng” đã tồn tại trong một thời gian dài, và còn tồn tại rất lâu sau khi người ta đã chứng minh được là nó tròn chứ không phẳng.
Điều này cũng xảy ra trong mọi lĩnh vực khác, hôm nay tôi nghe được một TED TALK về hành vi rất thú vị. Tiến sỹ Stuart Ablon của trường đại học Havard, có 25 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ có các hành vi thách thức trong trường học, nói rằng những gì ông học được qua công việc đã đi ngược lại hoàn toàn quan điểm truyền thống về hành vi, và quan điểm đó đã dẫn đến các chiến lược quản lý hành vi thiếu hiệu quả.
Ông khẳng định “KIDS DO WELL IF THEY CAN” (trẻ sẽ làm tốt nếu chúng có thể).
Hôm qua con gái tôi mới làm bài thi toán (kỳ thi thử IB năm cuối cấp 3) và nói là chắc con sẽ chỉ được điểm thấp. Tôi biết 1h sáng con vẫn còn chưa đi ngủ vì cố gắng ôn bài, con rất muốn làm tốt và bỏ nhiều thời gian để học nhưng toán là thách thức lớn đối với con. Con tôi luôn coi mình là không thông minh vì điểm kém hơn nhiều bạn và đặc biệt gặp khó khăn với các môn tự nhiên, tôi cho rằng sự thiếu tự tin của con bắt nguồn từ một quan điểm truyền thống khác. Con cũng nói rằng bạn N chẳng cần phải ôn gì nhiều mà chắc chắn thi điểm sẽ cao hơn con. Trong bất cứ lớp học nào cũng có những bạn học giỏi, ngoan trong khi những bạn khác học kém hoặc không nghe lời thầy cô.
Quan điểm truyền thống về hành vi mặc định những đứa trẻ làm chưa tốt ở trường là vì chúng thiếu động lực, động lực đó cần được thúc đẩy bằng các phần thưởng hay hình phạt, dựa trên tiền đề “kids do well if they want” (trẻ sẽ làm tốt nếu chúng muốn). Qua hơn 10 năm làm việc với nhiều trẻ có các hành vi thách thức, tôi hiểu rằng điều này không đúng, tôi chưa hề gặp đứa trẻ nào không muốn học tốt hay không muốn làm bố mẹ và thầy cô vui lòng, vấn đề là có những khó khăn cản trở chúng, và chúng ta, với tư cách là những người hỗ trợ, sẽ phải tìm ra những khó khăn đó và giúp chúng vượt qua ở mức tốt nhất có thể.
Các nghiên cứu khoa học thần kinh trong hơn 50 năm qua cho thấy những đứa trẻ với các hành vi thách thức không thiếu động lực, thay vào đó chúng thường thiếu khả năng điều chỉnh cảm xúc, sự linh hoạt và kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi một đứa trẻ không biết đọc, chúng ta dạy chúng đọc, khi chúng không biết viết, chúng ta dạy chúng viết, khi chúng không biết đi xe đạp, chúng ta dạy chúng đi xe đạp, nhưng khi chúng không biết cách cư xử đúng, chúng ta có dạy không? hay chúng ta phạt ? Những đứa trẻ vì các hành vi thách thức của mình luôn phải cố gắng hơn tất cả những đứa trẻ khác trong trường học, nhưng phải chịu đủ mọi hình phạt như không cho ra chơi, ngồi góc, lên phòng hiệu trưởng, đuổi học... chính là do “quan điểm truyền thống” của chúng ta. Trong khi đó những đứa trẻ được thưởng vì ngoan hay học giỏi lại chẳng hề phải cố gắng tí nào vì mọi thứ đến với chúng thật dễ dàng và tự nhiên.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dạy trẻ cách cư xử, chúng ta dạy chúng cách kết bạn, cách chia sẻ đồ chơi thay cho việc nói với trẻ “con phải chia sẻ đồ chơi với bạn”, và cho chúng thật nhiều cơ hội thực hành?
Khi người lớn chúng ta tập trung vào các hành vi của chính mình, làm mẫu cho trẻ thấy chúng ta điều chỉnh cảm xúc thế nào, trở nên linh hoạt hơn với trẻ, cho trẻ công cụ để giúp chúng giải quyết vấn đề, và đặc biệt là TÌM KIẾM NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP VÀ KỲ DIỆU NHẤT Ở MỖI ĐỨA TRẺ, chúng ta có thể sẽ không cần đến các hình phạt hay các “chiến lược quản lý hành vi” dựa trên quan điểm truyền thống.
Tôi có cùng niềm tin với tác giả bài TED TALK, rằng quan điểm “TRẺ SẼ LÀM TỐT NẾU CHÚNG CÓ THỂ” một ngày sẽ trở thành truyền thống, như những gì đã xảy ra với Trái Đất Tròn của chúng ta.
Hoa Le
Kommentit