top of page
Writer's pictureHoa Le

MỤC TIÊU CAN THIỆP

“Chị Hoa ơi, K biết đánh vần rồi!”- đó là tin nhắn đầu tiên tôi nhìn thấy khi mở điện thoại buổi sáng, tôi lập tức vùng dậy ra khỏi chăn vì vui sướng, tin nhắn đến từ một người mẹ có con tự kỷ 6 tuổi.


Với trẻ tự kỷ, mỗi giai đoạn phát triển thường các nhà chuyên môn sẽ hướng dẫn cha mẹ đề ra những mục tiêu khác nhau, và có lẽ đây là điều mà ai cũng cho rằng có ý nghĩa và cần thiết. Người mẹ trên từ đầu không đặt ra mục tiêu nào cụ thể, nhưng chị đã làm được những điều kỳ diệu trong 9 tháng qua, sau khi chị quyết định nghỉ việc ở nhà và tự can thiệp cho con, con chị trước đó đã trải qua nhiều năm can thiệp ở các trung tâm. Tôi may mắn được chị chia sẻ quá trình này và tôi thật sự ngưỡng mộ hai mẹ con chị, từ một cậu bé hầu như không nói, có rất nhiều vấn đề về cơ thể và giác quan, đến nay cậu đã chủ động nói được hầu hết các nhu cầu của mình, ngủ ngon, tiêu hóa tốt, biết bày tỏ tình yêu thương với bố mẹ, thậm chí còn biết trêu mẹ, và hôm nay đã biết đánh vần.


Những gì chị làm mỗi ngày là dành thời gian để kết nối với con, và chị cũng rất tập trung vào thay đổi chế độ ăn để giúp cơ thể con thải độc và đủ dinh dưỡng, cho con chơi và vận động ngoài trời, và chỉ chơi theo những gì con muốn. Khoảng 2 tháng trước chị nói với tôi rằng con có vẻ quan tâm đến sách và con tập trung tốt dần lên, chị muốn tìm cách dạy con đọc. Nhưng có vẻ là chị chưa kịp tìm ra cách dạy thì con đã đánh vần được.


Tôi nhớ lại cách đây nhiều năm khi tôi còn can thiệp theo hướng hành vi, tôi đã phải bỏ không biết bao nhiêu thời gian mỗi ngày vào việc đặt mục tiêu cho trẻ, từ những mục tiêu vô cùng cụ thể và chi tiết, kiểu như “A sẽ làm theo mệnh lệnh 1 bước 80% số lần được yêu cầu trong 1 giờ” hay “A sẽ nói theo đúng tên đồ vật 8 lần trong 10 lần được yêu cầu” cho tới những mục tiêu lớn hơn như “A sẽ tự vào nhà vệ sinh đi tiểu trong vòng 3 tuần”...và cũng phải bỏ ít nhất từng đó thời gian để ghi chép dữ liệu trong khi chơi với trẻ, rồi đưa vào bảng dữ liệu, đánh giá mỗi tuần, mỗi tháng...và có những chương trình hầu như dậm chân tại chỗ trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm ở những trẻ lớn. Ở nước ngoài, thường nhà trường, nơi trẻ đặc biệt được can thiệp, chuẩn bị kế hoạch can thiệp cá nhân IEP cho trẻ, nhưng có những cha mẹ nói rằng những mục tiêu trong kế hoạch này ít khi đạt được và sau một thời gian thì họ chẳng muốn đi họp IEP nữa.


Có thể mẹ và bé K trong câu chuyện này là trường hợp đặc biệt, khi những gì họ làm đem lại kết quả tốt mà không cần đặt ra những mục tiêu chi tiết, nhưng cũng có thể là do họ đã tập trung đúng vào những nguyên nhân gốc rễ của các triệu chứng tự kỷ ở bé, và khi cơ thể của bé K đang ổn định trở lại và bé có thể kết nối với bố mẹ, mọi thứ sẽ dần phát triển bình thường. Không lần nào mẹ bé gặp tôi mà không nói “em thấy K cứ như một bé bình thường ấy chị ạ, mọi kỹ năng đến với bé rất tự nhiên”.


Hiểu biết về tự kỷ của tôi đã thay đổi rất nhiều từ lúc tôi bắt đầu 14 năm trước, tôi nghĩ Martha Herbert, nhà khoa học thần kinh tại đại học Harvard, đã đúng khi bà viết: ”tự kỷ là rối loạn của toàn bộ cơ thể” trong sách Autism Revolution – Cuộc Cách mạng Tự kỷ.


Và tôi tin rằng MỤC TIÊU CAN THIỆP TỐT NHẤT cho trẻ tự kỷ bước đầu (và có thể là trong một thời gian dài) nên là MỘT CƠ THỂ KHỎE MẠNH và đặc biệt là TRẺ CẢM NHẬN ĐƯỢC TÌNH YÊU THƯƠNG bởi cha mẹ và những người xung quanh.


Hoa Le

18 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page