“Được là chính mình trong một thế giới luôn cố gắng làm bạn trở thành một người khác là thành tựu vĩ đại nhất” – Ralph Waldo Emerson.
Tôi biết có một phong trào của những người tự kỷ trên thế giới hàng ngày đấu tranh để họ được công nhận như những người “đa dạng thần kinh/neurodivergent”, họ hy vọng rằng một ngày nào đó tự kỷ cũng sẽ được công nhận như những người đồng tính hiện nay.
Tuy nhiên điều khiến tôi muốn viết về khái niệm “được là chính mình” đến từ buổi tư vấn phụ huynh mới đây, khi tôi hỏi tình hình của con họ sau mấy tuần áp dụng trị liệu chơi, người mẹ đã nói “em thấy con thoải mái hơn nhiều, kiểu như con được là chính mình cô ạ”. Chị cũng nói rằng điều đó làm chị có niềm tin hơn vào sự phát triển của con.
Có lẽ ít ai trong chúng ta để ý trong một ngày có bao nhiêu phần trăm thời gian mình được là chính mình, tức là được làm những gì mình thích, không phải đi theo sự dẫn dắt của người khác, không phải cố tỏ ra mình khác với những gì mình “muốn được là”? Là người lớn chúng ta có nhiều trách nhiệm và chắc nhiều người vẫn làm những công việc mà mình không thật sự thích làm, thường xuyên phải cố gắng tỏ ra vui vẻ trong các quan hệ xã giao, khó có thể luôn được là chính mình.
Với trẻ em thì sao?
Những sự kiện trẻ em bị đánh hay bị la mắng ở trường học vì không nghe lời cô giáo cho chúng ta thấy không những chúng không được là chính mình, chúng còn bị hành hạ bởi những người lớn chắc rất tức giận vì phải làm công việc mà mình không mong muốn. Tôi nhớ có lần đi tập huấn cho các phụ huynh và giáo viên ở Quảng Bình, tôi đã nói với các giáo viên “nếu các bạn không thích nghề giáo dục đặc biệt thì tốt nhất nên tìm một việc làm khác” bởi vì nghề của chúng ta rất vất vả, và những đứa trẻ đặc biệt thì cần những người ở bên chúng thật sự MUỐN ĐƯỢC Ở BÊN CHÚNG.
Nick Walker khi còn nhỏ đã được chẩn đoán tự kỷ và bác sĩ nói là anh sẽ không bao giờ có thể sống tự lập. Tuy nhiên hiện nay anh đã có gia đình, là một học giả về tự kỷ, đang dạy tâm lý tại trường đại học, và đây là thông điệp của anh với các cha mẹ có con tự kỷ:
“Bất kỳ chương trình trị liệu hoặc giáo dục nào không cho phép con bạn lắc lư qua lại và vỗ tay và động chạm vào mọi thứ và tránh nhìn mọi người... hãy giải cứu con bạn khỏi những thứ đó. Hãy bảo vệ để con bạn không phải đối mặt với những điều đó bởi vì những gì được gọi là trị liệu đó đang làm mất đi khả năng làm những gì chúng cần làm để phát triển và điều chỉnh kinh nghiệm của chúng để học cách chịu đựng thế giới xung quanh.
Khi con bạn đang mất kiểm soát và bùng nổ, cha mẹ hoảng sợ và nghĩ rằng "có điều gì đó không ổn với con tôi”, sau đó họ cho con tham gia một số chương trình can thiệp hành vi hay gì đó tương tự như vậy hoặc một số chương trình trị liệu khác. Trong những chương trình đó, họ cố gắng làm cho đứa trẻ trông bình thường hơn, có nghĩa là họ cố gắng làm cho đứa trẻ giao tiếp bằng mắt, giữ yên tay của chúng, không lắc lư và không đi lung tung trong giờ học nhưng tất cả những việc trẻ đang làm chính là cách trẻ đang cố gắng học cách tự điều chỉnh để không bị mất kiểm soát. Vì vậy, nếu bạn lấy đi những thứ đó, đứa trẻ ngày càng bị tổn thương nhiều hơn và chúng ngày càng có nguy cơ suy sụp và cái vòng luẩn quẩn đó sẽ khiến cha mẹ nói “ồ con cần được can thiệp nhiều hơn”, trong khi trẻ thực sự cần bớt được can thiệp, trẻ cần thêm không gian để thư giãn”.
Tôi thấy điều tương tự xảy ra với những trẻ tự kỷ đã lớn, thật sự khó để giúp chúng trở lại “được là chính mình” sau một thời gian dài người ta luôn cố gắng làm chúng trở thành một người khác. Nhưng muộn vẫn còn hơn không bao giờ.
Hoa Le
Comments